Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; giúp hoạt động thương mại, xuất-nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành thép mang tính bình đẳng, lành mạnh, cũng như thông tin về ngành thép khi cung cấp ra công chúng phải được chuẩn xác…, ngày 10/11/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn từ các DN thép và các bên liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Mấy năm gần đây ngành thép gặp vô vàn khó khăn, thép nhập khẩu gia tăng chóng mặt. Đơn cử, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu tới 5,1 triệu tấn thép hợp kim, con số nhập khẩu đó tăng quá cao so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, bước sang năm 2015 tính trong 9 tháng Việt Nam đã nhập khẩu bằng cả năm 2014 với khoảng 5,1 triệu tấn thép hợp kim. Nếu cứ đà này, cả năm 2015 Việt Nam sẽ nhập khẩu tới khoảng 7 triệu tấn thép hợp kim, con số đó gây hoang mang cho DN sản xuất thép trong nước, làm méo mó nền công nghiệp thép nước nhà.
"Song, trên thực tế, những thông tin về con số và diễn biến của việc xuất- nhập khẩu các sản phẩm thép nhiều khi rất khó tiếp cận, giới truyền thông đưa tin có khi không đồng nhất về con số, gây hoang mang cho bạn đọc. Chính vì vậy, thông qua cuộc hội thảo do Tổng cục Hải quan và VSA tổ chức lần này mong muốn các DN trong ngành thép cung cấp những thông tin về hoạt động của DN, diễn biến về thị trường thép... VSA cũng đề nghị hàng tháng phía Tổng cục Hải quan cung cấp những con số xuất- nhập khẩu chính xác cho VSA, từ đó làm cầu nối cung cấp thông tin cho giới truyền thông cũng như thông tin cho DN trong ngành thép cập nhật một cách chính xác"- ông Sưa nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Đình Trung- Phó trưởng ban Cải cách hiện đại hóa hải quan cho biết: Thông qua hội thảo này, Tổng cục Hải quan muốn nắm bắt những thông tin đa chiều từ phía DN ngành thép về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng khuyến khích các DN tham gia quan hệ đối tác với cơ quan hải quan qua việc đề cử các DN chấp hành tốt pháp luật hải quan để ký thỏa thuận hợp tác với Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc tham vấn để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cung cấp thông tin khi phát hiện sai phạm trong sản xuất kinh doanh, xuất-nhập khẩu thép.
Nắm bắt ý kiến trên, đại đa số ý kiến các DN liên quan trong ngành thép đồng tình ủng hộ, tuy nhiên các DN cũng đề nghị Tổng cục Hải quan cần tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức cho các DN trong việc nắm bắt thông tin về phát hiện sai phạm trong gian lận; tuyên truyền cơ chế, chính sách cho DN hiểu. Đặc biệt, khi cơ quan nhà nước chuẩn bị áp dụng thông tư, văn bản quy định… cho SXKD, xuất- nhập khẩu thép cần thông tin rộng rãi để lấy ý kiến góp ý từ phía các DN trước khi hoàn thiện văn bản, góp phần nâng cao tính cộng đồng, giúp nền công nghiệp thép nước nhà phát triển ổn định.
Tại hội thảo nhiều ý kiến DN tham vấn đã làm nóng hội trường. Như các ý kiến về Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên & Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vừa áp dụng tháng 10/2015 gây phiền toái, bức xúc cho DN trong việc đi lại xin cấp phép, tốn kém thời gian và chi phí… Tương tự Thông tư 41 là Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN liên Bộ Công Thương và Bộ KH&CN cũng có nhiều luồng ý kiến tỏ ra bức xúc.
Đại diện phía DN nhập khẩu thép chế tạo linh kiện, kỹ sư Vũ Hoàng Hải - Trưởng phòng kinh doanh Kim khí - Công ty CP vật tư và thiết bị toàn bộ cho biết, Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN liên Bộ Công Thương và Bộ KH&CN gây bức xúc cho DN nhập khẩu thép chế tạo linh kiện bởi mỗi lô hàng nhập khẩu dù to hay nhỏ đều có hạn mức, tại sao vẫn phải xin giấy phép tự động và phải đi giám định mặc dù chất lượng, mẫu mã… của những lô hàng đó nhập khẩu đều lặp đi lặp lại, song vẫn phải xin giấy phép. Thủ tục này gây thừa và tốn kém chi phí cho DN. Tính đơn giản, từ khi thực hiện theo Thông tư 44 mỗi lô hàng thép chế tạo linh kiện nhập khẩu dù to hay nhỏ đều mất thêm chi phí khoảng gần 10 triệu đồng, trong đó có cả tiền giám định và chi phí đi lại. Điều quan trọng phải chờ đợi mất thời gian, làm ảnh hưởng tới việc sản xuất-kinh doanh của công ty, mà chi phí này khó có thể tính bằng tiền.
Theo ông Hải, các cơ quan ban, ngành muốn ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại cần phân định cụ thể điều khoản nào áp dụng cho sản phẩm thép nhập khẩu nào phù hợp, và cần đánh đúng chỗ. Nếu quá trình ngăn chặn không đúng lsẽ àm ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính, phản tác dụng, gây kìm hãm phát triển cũng như tốn kém cho DN, tăng chi phí không cần thiết.
Cũng theo ông Hải, hiện tại thép nhập khẩu chứa 0,3% crom đều phải xin giấy phép. Mà đã là thép chế tạo nhập khẩu loại nào cũng chứa crom, thậm chí còn chứa thành phần hợp kim khác. Do đó, ông Hải đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, thép chế tạo nhập khẩu có chứa trên 0,5% crom không cần phải xin giấy phép, đồng thời không nên áp dụng việc xin giấy phép tự động theo từng chuyến hàng nhập khẩu đối với thép chế tạo linh kiện. Nếu giảm được các thủ tục trên sẽ giúp DN giảm tổn thất về tiền bạc và thời gian đi lại.